-
14h50
VN-Index chốt phiên tăng 54 điểm
Sau phiên ATC, VN-Index đóng cửa tại 1.222,46 điểm, tăng hơn 54 điểm so với tham chiếu. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đã hồi phục 13,8% so với mức thấp nhất trong đợt điều chỉnh mạnh vì thông tin thuế đối ứng của ông Trump.
So với phiên tăng đồng thuận hôm qua, thị trường hôm nay có sự phân hóa rõ hơn. Dòng tiền tập trung vào các mã vốn hóa lớn và doanh nghiệp đầu ngành. Nhờ đó, 28 trong số 30 cổ phiếu của rổ VN30 đóng cửa trên tham chiếu. GAS, MWG, STB, VIC, HPG cùng tăng hết biên độ và chốt phiên trong trạng thái không có bên bán.
Cổ phiếu thuộc những nhóm ngành được dự đoán tác động trực tiếp bởi thuế quan như bất động sản khu công nghiệp, thủy sản... thoát giá sàn trong phiên sáng nhờ lực cầu giá thấp xuất hiện từ giữa phiên chiều.
Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 965 tỷ đồng. Nhóm này giải ngân tổng cộng 5.500 tỷ đồng, torng khi bán ra 4.540 tỷ đồng. Tiền của khối ngoại chảy mạnh nhất vào HPG, ACB, TCB, MBB và FPT. Đây đều là những cổ phiếu chịu áp lực xả hàng rất mạnh trong 4 phiên điều chỉnh.
-
14h30
Hơn 320 cổ phiếu tăng trước phiên ATC
Trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), độ rộng thị trường lệch dần về bên mua. Sàn TP HCM có 326 cổ phiếu tăng, trong đó 35 mã chạm trần, còn cổ phiếu giảm chỉ khoảng phân nửa. Rổ vốn hóa lớn cũng có đến 28 mã tăng và hầu hết duy trì biên độ trên 4%.
VN-Index nhờ đó tăng 53 điểm, lên 1.221 điểm. Chỉ số đại diện cho rổ VN30 tăng hơn 60 điểm, tương ứng 4,81%, và vượt xa mốc 1.300 điểm.
Lực mua dồn dập đẩy thanh khoản tăng nhanh lên 36.560 tỷ đồng, gấp 6 lần cả phiên hôm qua. FPT đã vượt qua mức thanh khoản 2.000 tỷ đồng, giữ vững vị trí đầu bảng xếp hạng giá trị giao dịch.
-
14h05
Cổ phiếu khu công nghiệp thoát sàn
Dòng tiền "giải cứu" cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp xuất hiện từ giữa phiên chiều, giúp hàng loạt mã thoát giá sàn và tình trạng không có bên mua.
Cổ phiếu của Tổng công ty Phát triển khu đô thị Kinh Bắc (KBC) thu hẹp mức giảm từ 7% xuống 1,1%. BCM, IDC, SZC, LHG cũng chỉ còn giảm khoảng 1,5-4% thay vì kịch sàn như buổi sáng. Biến động mạnh nhất là GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khi đảo chiều từ giảm hết biên độ tăng 0,2%, lên 25.650 đồng.
Diễn biến cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp lúc 14h05, ngày 11/4. Ảnh chụp màn hình
-
13h50
Khối ngoại gom hàng
Khi thị trường vừa hồi phục hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 850 tỷ đồng. Hôm nay, xu hướng giao dịch đổi chiều khi họ trở lại gom hàng quyết liệt. Nhóm này đã giải ngân hơn 4.300 tỷ đồng, trong khi bán ra khoảng 3.400 tỷ đồng, tương ứng giá trị mua ròng 900 tỷ đồng. Đây là phiên có giá trị mua ròng cao nhất trong nửa năm qua.
HPG hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài với khối lượng được mua ròng gần 18 triệu cổ phiếu. Nhóm ngân hàng gồm MBB, ACB, TCB cũng được giải ngân ồ ạt.
Cổ phiếu của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) - doanh nghiệp mới trải qua giai đoạn biến động mạnh về nhân sự thượng tầng - cũng hút vốn nước ngoài. Khối ngoại đang mua mã này gấp 10 lần giá trị bán ra.
-
13h40
Chuyên gia SSI Reasearch: ‘Tránh mua đuổi bằng mọi giá’
Tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư trong nước giúp VN-Index tăng nhanh, hồi phục lên 1.200 điểm chỉ trong hai phiên. VN30 - chỉ số đại diện cho nhóm vốn hóa lớn - cũng tiệm cận 1.300 điểm.
Theo ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, sau một tuần biến động mạnh, định giá thị trường Việt Nam đã về mức khá hấp dẫn với chỉ số P/E thấp hơn 30% so với trung bình 10 năm qua. Áp lực bán giải chấp cũng được xóa bỏ.
Tuy nhiên, ông cho rằng nhà đầu tư cần lưu ý dù Mỹ hoãn việc áp dụng thuế đối ứng nhưng thị trường chứng khoán còn nhiều yếu tố khó lường, nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn hiện hữu, thậm chí có xu hướng tiếp tục leo thang.
"Nhà đầu tư vẫn cần quan sát chặt chẽ các diễn biến quốc tế và quản trị rủi ro, tránh mua đuổi bằng mọi giá", ông Châu khuyến nghị.
Theo ông Châu, việc Mỹ công bố áp dụng thuế đối ứng là một hiện tượng "thiên nga đen", tương tự sự kiện Biển Đông năm 2014, dịch Covid-19 đầu năm 2020 hay làn sóng tăng lãi suất toàn cầu cuối năm 2022. Những sự kiện như vậy thường hiếm xảy ra nên mang yếu tố bất định, nhưng cũng góp phần thanh lọc thị trường và mang lại những cơ hội đầu tư hấp dẫn do phần lớn cổ phiếu đều ghi nhận mức chiết khấu rất mạnh trong những phiên vừa qua.
-
13h20
Tiền rót mạnh vào bluechip
Sau giờ nghỉ trưa, độ rộng thị trường tương đối cân bằng với 250 mã tăng và 230 mã giảm. Tuy nhiên, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM liên tục nới rộng biên độ tăng lên 35 điểm, quay về mốc 1.200 điểm, nhờ lực cầu mạnh ở các mã vốn hóa lớn (bluechip).
Chỉ số VN30 tăng hơn 45 điểm khi 26 trong số 30 cổ phiếu thuộc nhóm này giao dịch trên tham chiếu, trong đó MWG và HPG giữ vững giá trần cũng như không xuất hiện bên bán. Cổ phiếu của Thế GIới Di Động ghi nhận dư mua 2,6 triệu đơn vị, còn HPG xấp xỉ 500.000 đơn vị.
BCM là cổ phiếu vốn hóa lớn duy nhất giảm trên 4%. Sáng nay, doanh nghiệp này công bố tạm hoãn thương vụ đấu giá 300 triệu cổ phiếu sau khi thị giá giảm 25% trong một tuần.
Thanh khoản rổ vốn hóa lớn đã vượt 15.000 tỷ đồng. Nhóm này có 4 mã đạt thanh khoản nghìn tỷ gồm HPG, FPT, MBB và SSI.
Becamex tạm hoãn thương vụ bán cổ phiếu lịch sử
Becamex IDC sẽ tạm hoãn thương vụ đấu giá 300 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE sau khi thị giá cổ phiếu BCM giảm 25% trong một tuần.
-
11h30
Chứng khoán tạm nghỉ ở 1.195 điểm
VN-Index kết phiên sáng với mức tăng gần 27 điểm, mất mốc 1.200 điểm. Toàn sàn HoSE có 245 cổ phiếu tăng, 237 cổ phiếu giảm. Nhóm trụ vẫn là VCB, VIC, HPG.
Tổng giá trị giao dịch ghi nhận gần 23.000 tỷ đồng, tương đương 3,6 lần tổng cả phiên trước. Lực cung xuất hiện nhiều trở lại giúp giao dịch sôi động hơn. Tuy nhiên thanh khoản của nhóm cổ phiếu tăng trần như HPG, MWG dần yếu đi do lực bán thấp.
VN-Index đóng cửa phiên sáng 11/4 ở trên 1.195 điểm. Ảnh chụp màn hình
Thị trường chứng khoán sẽ nghỉ trưa từ 11h30. Đến 13h, các giao dịch mua - bán mới được xử lý trở lại.
Ông Nguyễn Đức Nguyên, chuyên gia phân tích đầu tư của FinSuccess, cho rằng tác động tích cực sẽ tiếp tục lan tỏa trên thị trường, hỗ trợ quá trình hồi phục sau những phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đà hồi phục này sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các cổ phiếu, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của mỗi ngành đối với thuế suất của Mỹ.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia khuyên có thể tận dụng đà hồi phục của thị trường để thực hiện hồi quy trung bình (mean reversion) trong ngắn hạn, đặc biệt là tháng 4. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý không nên nắm giữ cổ phiếu có sử dụng margin quá lâu nhằm giảm thiểu rủi ro. Sau khi thị trường ổn định quanh vùng định giá trước đó, nhà đầu tư có thể chuyển sang tìm kiếm các cơ hội dài hạn, tập trung vào các yếu tố vĩ mô chính của năm 2025.
-
11h00
Cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh
Trong nhóm hút dòng tiền, cổ phiếu ngành chứng khoán có diễn biến tích cực hơn hẳn. VND tuy rời giá trần, vãn tăng được 6,3% với lệnh mua lớn. Các mã SSI, VIX, VCI, HCM đều tích lũy quanh 3-4%. Sắc xanh phủ gần trọn bảng điện, khớp lệnh diễn ra liên tục.
-
10h50
Lực bán dần trở lại nhóm tăng trần
Càng về trưa, các mã tăng trần như HPG, VND, MWG dần có thanh khoản trở lại. Lệnh được khớp nhưng dư mua của các mã này vẫn cao, nhất là HPG dư mua tới gần 19 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một số mã dần tiến về mức tăng tuyệt đối trong phiên như SCS, ANV, DCM.
-
10h45
VN-Index trở lại mốc 1.200 điểm
Nhờ sắc xanh lan rộng, nhất là nhóm cổ phiếu trụ, VN-Index lên sát 1.201 điểm vào 10h45, cách tham chiếu hơn 32 điểm.
Thanh khoản ghi nhận gần 19.700 tỷ đồng. Mã đang được giao dịch nhiều nhất là FPT, vượt HPG với tổng giá trị giao dịch gần 1.400 tỷ đồng.