Chú trọng chất lượng nghiên cứu thay vì chỉ số lượng công bố
Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn nạn "Nghiên cứu vị Công bố" hiện nay, và có giải pháp gì để giải quyết vấn nạn này?
Lê Trường Tùng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT
Trả lời:
Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng cảm ơn ý kiến đề xuất của độc giả.
Hoạt động nghiên cứu khoa học là một quá trình liên tục gồm nhiều giai đoạn: từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm, đến phát triển công nghệ, thương mại hóa và đổi mới sáng tạo. Mỗi loại hình nghiên cứu sẽ có các sản phẩm tương ứng.
Nghiên cứu cơ bản có vai trò đặt nền móng tri thức và công bố khoa học là sản phẩm đặc trưng. Việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học là cần thiết và quan trọng, nhằm ghi nhận kết quả nghiên cứu và chia sẻ với cộng đồng khoa học; Khẳng định năng lực học thuật của tổ chức, cá nhân; Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế khoa học của quốc gia; Là tiêu chí đánh giá trong xếp hạng đại học và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu.
Trong hơn một thập kỷ qua, mặc dù nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên về số lượng và chất lượng công bố quốc tế vẫn chỉ đạt mức trung bình khá so với khu vực (top 4 ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan) và cần tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy công bố, đã xuất hiện một số biểu hiện đáng lưu ý:
- Xu hướng chạy theo số lượng bài báo để phục vụ xét duyệt, nâng ngạch, nghiệm thu... thay vì tập trung vào chất lượng học thuật thực sự;
- Sự gia tăng của các tạp chí chất lượng không đảm bảo, tạp chí thương mại hóa, làm giảm giá trị khoa học của công bố.
Vì vậy, trong quá trình xét chọn đề tài, đánh giá kết quả nghiên cứu và xem xét đội ngũ khoa học, cần có cách tiếp cận cân bằng, đánh giá đầy đủ về chất lượng công trình, không chỉ dựa vào số lượng công bố.
Bộ Khoa học và Công nghệ