Căn cứ Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định "quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng", nên căn nhà mà mẹ bạn đang ở thuộc sở hữu chung của cha mẹ bạn. Do đó, việc để lại thừa kế căn nhà này được chia thành 2 phần bao gồm phần thuộc sở hữu của cha bạn và phần thuộc sở hữu của mẹ bạn.
- Đối với phần tài sản thuộc sở hữu của cha bạn: Căn cứ Điều 650 và 651 của Bộ luật dân sự 2015, nếu không có di chúc, thì tài sản được chia theo quy định của pháp luật, bắt đầu từ những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm cha mẹ, vợ hoặc chồng, và các con (bao gồm con ruột và con nuôi).
- Đối với phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ bạn: Căn cứ Điều 630 của Bộ luật dân sự 2015, di chúc được lập chỉ có giá trị pháp lý khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa và cưỡng ép tại thời điểm lập di chúc và nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái với quy định của luật.
Việc lập di chúc để lại thừa kế tài sản cho ai là quyền của người lập di chúc, nhưng lưu ý rằng theo Điều 644 của Bộ luật dân sự 2015, những người sau đây được hưởng ít nhất 2/3 suất thừa kế theo quy định của pháp luật nếu di chúc không để lại thừa kế tài sản cho họ hoặc họ được hưởng ít hơn mức vừa đề cập, bao gồm con chưa thành niên, cha mẹ, vợ hoặc chồng.
Như vậy, đối với trường hợp của gia đình bạn, 1/2 căn nhà thuộc sở hữu của cha bạn được chia theo quy định pháp luật cho mẹ bạn và ba chị em bạn, còn 1/2 căn nhà thuộc sở hữu của mẹ bạn, bà hoàn toàn có thể lập di chúc cho cháu gái do cha của bạn đã không còn, ba chị em bạn đều đã trưởng thành.
Thạc sĩ luật Nguyễn Trúc Anh