Cảng Thiên Tân (Tianjin) - cảng đầu tiên trên thế giới được công nhận là "không phát thải carbon" đang có tham vọng mở rộng các tuyến vận tải hàng hóa đến khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu xử lý 3,2 triệu TEU (đơn vị tương đương container 20 feet) vào năm 2025. Đây là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm tăng cường kết nối khu vực và thúc đẩy thương mại xanh theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Từ mức 2,38 triệu TEU vào năm 2023, cảng đã tăng trưởng ấn tượng lên tới 23,29 triệu TEU trong năm qua.
Ông Feng Miao, Quản lý điều hành tại cảng Thiên Tân, cho biết khối lượng thương mại với Đông Nam Á đang gia tăng nhanh chóng cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới hàng hải và vận tải container trong khu vực. "Chúng tôi đã có nhiều tuyến đường trực tiếp tới Bangladesh và Đông Nam Á", ông chia sẻ.

Cảng Thiên Tân - mắt xích quan trọng toàn cầu với ba bến container cho tàu 200.000 tấn, kết nối 800 cảng tại 200 quốc gia. Ảnh: Logistics Asia
Năm 2022, cảng Thiên Tân được Hiệp hội Đăng kiểm Trung Quốc (China Classification Society) chứng nhận là cảng không phát thải carbon - dấu mốc toàn cầu đầu tiên trong ngành logistics hàng hải.
"100% thiết bị, hệ thống vận hành và cơ sở hạ tầng hỗ trợ tại đây đều hoạt động bằng điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió", ông Feng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định việc từ bỏ hoàn toàn năng lượng từ than đá.
Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời và tua-bin gió tại cảng bắt đầu từ năm 2001. Và chỉ sau nửa năm, toàn bộ hạ tầng năng lượng sạch đã được hoàn thiện. Hiện hệ thống vận hành ổn định với hai tua-bin gió có công suất 5.863 kilowatt-giờ mỗi năm. Theo ông Feng, quá trình chuyển đổi này là một phần trong cam kết dài hạn đối với đổi mới xanh, giúp Thiên Tân không chỉ trở thành trung tâm logistics mà còn là hình mẫu cho phát triển bền vững.
Tọa lạc tại vùng duyên hải đông bắc Trung Quốc, cảng Thiên Tân sở hữu ba bến container có thể tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn. Tổng chiều dài bờ cảng khai thác đạt 1.100 mét với diện tích bến bãi khoảng 750.000 m2. Hiện cảng kết nối với hơn 800 cảng tại 200 quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cả khu vực và toàn cầu, bao gồm cả Đông Nam Á.
Không chỉ chú trọng đến yếu tố bền vững, cảng Thiên Tân còn đạt nhiều bước tiến trong hiệu quả vận hành nhờ ứng dụng tự động hóa và công nghệ thông minh. "Hệ thống của chúng tôi có hiệu suất gấp bảy lần và giảm khoảng 20% nhu cầu lao động so với các cảng có quy mô tương đương", ông Feng cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh toàn bộ hoạt động tại cảng đều được điều hành bằng công nghệ nội địa, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và hệ thống logistics thông minh, qua đó tối ưu hóa luồng di chuyển container, giảm thời gian chờ và duy trì chu trình vận hành trơn tru.
Như Ý (Theo Logistics Asia)