Cả nước còn 34 tỉnh, thành phố (gồm 6 thành phố thuộc trung ương và 28 tỉnh) sau sắp xếp đơn vị hành chính, theo Nghị quyết của Quốc hội. Từ 1/7, bộ máy chính quyền cấp tỉnh và xã sau sắp xếp đơn vị hành chính chính thức hoạt động.
Tại họp báo thường kỳ ngày 2/7, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết Bộ cũng phối hợp với các bộ ngành, cơ quan lập Tổ công tác liên ngành để xử lý các vấn đề liên quan sắp xếp, xử lý tài sản công trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tổ phản ứng nhanh này do Thứ trưởng Tài chính Bùi Văn Khắng làm tổ trưởng.
Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với 63 tỉnh thành (trước sắp xếp), hướng dẫn và gỡ vướng cụ thể. Về nguyên tắc xử lý, theo bà Thoa, việc sắp xếp tài sản công phải đảm bảo hoạt động cho bộ máy mới. Còn tài sản dôi dư được định hướng không bán, chuyển nhượng mà ưu tiên bố trí cho cơ sở giáo dục đào tạo, y tế và các mục đích công cộng, thiết yếu khác của Nhà nước.
"Qua nắm bắt tình hình, cơ bản các địa phương tương đối suôn sẻ, không có nhiều vướng mắc đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công", bà nói.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) trả lời tại họp báo, ngày 2/7. Ảnh: MOF
Tuy nhiên, bà Thoa cũng cho rằng việc đánh giá hiện trạng sử dụng tài sản công phải toàn diện, khách quan, tránh tình trạng "thấy dư là lập tức loại bỏ".
"Địa phương bây giờ có thể báo cáo dôi dư trụ sở, nhà đất nhưng các cơ sở này phải bố trí cho các cơ quan trung ương tại địa phương, hoán đổi với nhau, và sử dụng cho các mục đích khác nên có thể nay dư mai lại thiếu", bà nói.
Do đó, Bộ Tài chính đang yêu cầu từng địa phương báo cáo kết quả xử lý cụ thể sau 90 ngày triển khai. Sau khi kết thúc giai đoạn rà soát này, cơ quan chức năng mới đủ căn cứ để tổng hợp và công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất công dôi dư.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công, theo dõi để hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Nói thêm về nội dung này, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết có nhiều cách để sắp xếp, xử lý tài sản công như điều chuyển cho đơn vị khác, điều hòa cho trung ương, địa phương... Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần đảm bảo việc sử dụng tài sản công đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí.
Cũng tại họp báo, đại diện Cục Quản lý công sản cũng trả lời liên quan việc thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các địa phương để báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện việc thu tiền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất.
"Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt với Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong quá trình sửa đổi chính sách liên quan đến nội dung này", bà Thoa nói. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xin ý kiến sửa Nghị định 103/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để chính sách khi đi vào thực tiễn phù hợp, hiệu quả.
Phương Dung