Trong khuôn viên 125 m2, 43 lao động với phần lớn là người khuyết tật tại Vụn Art tạo ra 5.000 sản phẩm mỗi tháng. Thay vì may, thêu, vẽ, in, xưởng chọn phương pháp tái chế đồ phế phẩm thành những sản phẩm thương mại, tạo ra sự khác biệt về công nghệ và kỹ thuật độc bản dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Vượt ra khỏi thị trường nội địa, các món hàng thủ công từng xuất khẩu đến Mỹ, hay gần nhất là ký kết cùng doanh nghiệp nội thất của Đan Mạch với đơn hàng chiếm tới 3% tổng doanh thu. Từ mô hình chế tác đồ thủ công, qua 8 năm Vụn Art trở thành doanh nghiệp đa ngành nghề với hai lĩnh vực mới là du lịch trải nghiệm làng nghề và đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Tái chế phế phẩm thành mặt hàng nghệ thuật
Vụn Art hiện cung cấp hai dòng sản phẩm chính là: may mặc (tranh lụa ghép vải, tranh chân dung ghép lụa, ví vải, sổ tay ghép lụa, vỏ gối, áo phông, túi tote) và đồ chơi truyền thống (cờ cá ngựa, cờ vua).

Họa tiết cá được tạo từ vải Vụn. Ảnh: Lê Việt Cường
Toàn bộ nguyên liệu là các mảnh vụn lụa, gỗ thừa bỏ đi, được lấy từ làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội). Sau khi thu thập, phế phẩm được chế tác với kỹ thuật cắt dán, trang trí, là phẳng, ép nhiệt biến thành những bức tranh, áo, mũ, túi, vỏ gối... 43 lao động ở Vụn Art có 38 người khuyết tật, trong đó có 21 bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Vì vậy, những chuyên gia về mỹ thuật như họa sĩ Nguyễn Văn Trường, Đặng Thị Khuê, Lê Huy Văn đã nghiên cứu và phát triển ra những sản phẩm phù hợp với kỹ thuật của người lao động khuyết tật mà vẫn đảm bảo công năng và tính thẩm mỹ. Từng khâu như hình họa, bố cục, dựng hình, màu sắc, kỹ thuật cắt dán đều được dạy nghề cho người lao động để họ có thể tự thực hiện.
Qua bàn tay của thợ khuyết tật, mảnh vải vụn tưởng bỏ đi, được khoác lên hình hài mới. Sản phẩm lồng ghép nhiều văn hóa truyền thống như họa tiết tranh dân gian, biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc... Các người thợ còn có thể sáng tạo theo yêu cầu riêng của khách hàng. Các họa tiết được đưa lên túi vải, áo phông, áo dài, sổ tay, túi, gối, bàn cờ, đặc biệt là tranh chân dung ghép lụa rất được yêu thích.

Không gian trưng bày sản phẩm tại Vụn Art. Ảnh: Lê Việt Cường
Tạo "cần câu" bền vững cho người khuyết tật
Ông Lê Việt Cường, người sáng lập và điều hành hợp tác xã Vụn Art cho biết, ý tưởng về một xưởng thủ công tuyển người lao động khuyết tật, đặc biệt hướng đến người tự kỷ bắt đầu từ năm 2017. Thời điểm ấy, ông Cường đồng sáng lập xưởng may thú bông do người điếc làm việc.
Ngày 6/3/2017, họa sĩ Nguyễn Văn Trường (lúc đó đang làm Phó bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông, Hà Nội) đến thăm cơ sở sản xuất thú bông, tặng quà nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhìn thấy những mảnh vải vụn tại xưởng, họa sĩ Trường đã ghép lại thành một bức tranh và gợi ý sẽ chuyển giao ý tưởng này cho ông Cường khởi nghiệp một xưởng thủ công sử dụng vải vụn tái chế thành các sản phẩm thương mại.
Khi đó, mô hình xưởng thú nhồi bông của ông Cường đã vận hành ổn định, có thu nhập cho các lao động điếc. Nhưng điều ông Cường băn khoăn là những người khuyết tật khác đang không được đào tạo, thiếu việc làm. "Tôi thấy ý tưởng tái chế vải vụn rất hay và quyết định mở xưởng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình thử làm cho các bạn khuyết tật một điều gì đó xem như thế nào. Thất bại cũng không sao", ông Cường kể lại.
Ý tưởng thành lập Vụn Art đến từ tháng 3/2017 nhưng ông Cường mất đến 6 tháng để vận động người khuyết tật cùng tham gia làm việc. "Tôi đến tận nhà, vận động gia đình cho con em đi học, ai nấy đều e dè, 10 nhà thì 9 nhà từ chối", ông nói. Tháng 10/2017, lớp học nghề có 10 học viên và mất thêm gần một năm chỉ để dạy nghề.
"Dạy nghề thủ công cho lao động bình thường đã khó, tỷ lệ thành công với người khuyết tật, đặc biệt là người tự kỷ còn khó hơn nhiều lần. Chúng tôi phải cùng nhau nghiên cứu để tìm ra những sản phẩm phù hợp với năng lực, kỹ thuật mà họ có thể tiếp thu được nhưng cũng phải phù hợp với nhu cầu thị trường", ông Cường nói.

Hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật tại Vụn Art. Ảnh: Lê Việt Cường
Như nhiều dự án khởi nghiệp khác, Vụn Art không có tiền cho các hoạt động marketing, quảng bá, tìm đầu ra cho hàng hóa. Thời gian đầu, giám đốc Lê Việt Cường vẫn phải trích ngân sách cá nhân để duy trì xưởng. Ông Cường cùng các cộng sự vừa làm vừa tìm hiểu thị trường, phát triển sản phẩm, quản trị vận hành. Chi phí thuê địa điểm, nguyên vật liệu keo dán, tiền hỗ trợ đi lại cho các bạn khuyết tật học nghề đều do ông Cường bỏ tiền túi của mình để duy trì.
Dù ban đầu ý tưởng mở xưởng là để người lao động khuyết tật, tự kỷ có nơi làm việc nhưng ông Lê Việt Cường không muốn Vụn Art hoạt động bằng tiền ủng hộ của các tổ chức xã hội. Mục tiêu của ông là xưởng phải thật sự sản xuất ra được các sản phẩm có giá trị, chỗ đứng trên thị trường, kiếm ra tiền.
"Quan điểm từ ban đầu của tôi là người khuyết tật không sản xuất ra sản phẩm khuyết tật. Chúng tôi không đổi sản phẩm bằng sự ủng hộ, thương hại hay giúp đỡ gì cả", giám đốc Vụn Art nhấn mạnh.
Từ xưởng thủ công thành doanh nghiệp đa ngành
Từ mô hình xưởng sản xuất thủ công, Vụn Art đã trở thành doanh nghiệp đa ngành nghề với hai lĩnh vực mới là du lịch trải nghiệm làng nghề và đào tạo nghề cho người khuyết tật. Năm 2024, Vụn Art đón 20.000 khách trong và ngoài nước, đồng thời được công ty du lịch Intrepid (Australia) biết đến và ủng hộ. Ngân sách từ Intrepid được Vụn Art tiếp tục đầu tư vào đào tạo nghề. Hình thức trải nghiệm xưởng thủ công được nhà sáng lập Vụn Art mở ra ngay từ khi thành lập xưởng, đóng góp 50% doanh thu của cơ sở.
8 năm phát triển, hiện tại Vụn Art đã có thể "nuôi sống" chính mình. Số lượng sản phẩm tăng 15-20% mỗi năm nhờ tìm kiếm được đầu ra và các thị trường mới. Người lao động được trả lương, đóng bảo hiểm. Xưởng có những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Đan Mạch, xuất hiện tại nhiều sự kiện ngoại giao lớn, trở thành quà tặng ngoại giao của Thủ tướng.
Vụn Art cũng nhận được nhiều giải thưởng như Top 4 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018, chứng nhận 4 sao năm 2019 của One Commune One Product of VietNam (OCOP), giải nhì cuộc thi khởi nghiệp về giải pháp cho người khuyết tật tại Việt Nam. Đơn vị còn đạt nhiều chứng nhận, giải thưởng danh giá cho mô hình doanh nghiệp xã hội bền vững.

Du khách Pháp trải nghiệm tại Vụn Art. Ảnh: Lê Việt Cường
Thời gian tới, ông Lê Việt Cường đặt mục tiêu mở rộng quy mô cho Vụn Art lên gấp đôi, tăng các đơn hàng mới để giải quyết việc làm cho khoảng 55 đến 60 người. Doanh nghiệp tìm hướng hợp tác, ký kết với các công ty du lịch quan tâm đến vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay kinh tế chia sẻ để tăng số lượng du khách lên 40.000-50.000 người.
Vụn Art tiếp tục trích 15% doanh thu và đóng góp từ Intrepid để nhận người khuyết tật vào dạy nghề. Năm ngoái, đơn vị có 9 học viên, nhận thêm 5 học viên mới đầu năm nay.
Yên Chi