Tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích hơn 4.700 km2, dân số trên 3,6 triệu người và 99 đơn vị hành chính. Trụ sở hành chính mới được đặt tại thành phố Bắc Giang cũ, nằm trên trục phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cộng dồn của hai tỉnh trong năm 2024 đạt khoảng 440.000 tỷ đồng, đứng trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước. Ngoài vai trò "thủ phủ công nghiệp" của vùng kinh tế trọng điểm, Bắc Ninh - Bắc Giang còn sở hữu nền văn hóa với nhiều di sản như dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu... tạo thế cân bằng giữa phát triển hiện đại và giá trị truyền thống.
Trước khi hợp nhất, Bắc Giang nổi bật về công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp, trong khi Bắc Ninh ghi dấu ấn với ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao và dịch vụ. GRDP 6 tháng đầu năm của Bắc Giang dẫn đầu cả nước với 14,1%, còn Bắc Ninh là 9,18%. Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh vươn lên top 5 địa phương có tăng trưởng GRDP hai con số.
Cơ cấu kinh tế của hai địa phương có nhiều điểm tương đồng do cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm ưu thế trong cơ cấu GRDP (trên 60%). Đây là kết quả của quá trình thu hút đầu tư FDI và phát triển các khu công nghiệp trong hơn một thập kỷ qua. Hai địa phương hiện có 32 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trên 60%, riêng tại Bắc Giang, nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt tới 100%.
Sau sáp nhập, cơ cấu kinh tế của tỉnh mới sẽ tập trung mạnh vào công nghiệp - xây dựng, chiếm khoảng 69% GRDP, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, dự kiến trở thành thủ phủ công nghiệp lớn nhất miền Bắc.
Với lợi thế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bắc Ninh mới đang nắm giữ tổng vốn FDI lên tới 44,5 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng lượng FDI cả nước. Sức hút đầu tư được kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ quy mô lớn hơn, hạ tầng vùng đồng bộ và tiềm năng phát triển chuỗi sản xuất điện tử - công nghiệp hỗ trợ song hành. Đây là cơ hội để Bắc Ninh mới phát triển thành "siêu tỉnh" công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và bền vững về nhân lực cho khu vực, qua đó, thúc đẩy thị trường nhà ở.
Về nguồn lao động, sau khi sáp nhập, Bắc Ninh sẽ sở hữu nguồn nhân lực hùng hậu với gần 615.000 lao động tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp; trong đó, gần 23.000 người nước ngoài.
Sáp nhập cũng sẽ tạo đòn bẩy cho nguồn nhân lực về cả số lượng, chất lượng lẫn hiệu quả quản trị. Nhu cầu tuyển dụng tăng qua từng năm, không chỉ thúc đẩy chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng lao động mà còn kéo theo áp lực lên thị trường bất động sản: nhu cầu nhà ở cho chuyên gia tăng mạnh, giá thuê căn hộ công nghiệp sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, kéo theo làn sóng đầu tư phát triển khu lưu trú, đô thị vệ tinh xung quanh các khu công nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, sức bật về kinh tế sẽ giúp gia tăng mức sống dân cư trên địa bàn. Cùng với đó, sự gia tăng của đội ngũ lao động chất lượng, chuyên gia nước ngoài đến Bắc Ninh cũng sẽ kéo theo nhu cầu về dịch vụ, sản phẩm bao gồm cả nhà ở với mặt bằng tiêu chuẩn cao hơn. Đây là cơ hội thúc đẩy các khu đô thị mới hiện đại, tích hợp "all in one" đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh bảo vệ, quy hoạch bài bản, từ đó góp phần thúc đẩy diện mạo đô thị hóa hiện đại, sinh thái.
Bắc Ninh là cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, được liên kết bằng các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 1, 18, 38; cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên. Trong khi đó, Bắc Giang đóng vai trò trung chuyển giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng, nổi bật với quốc lộ 1A, 31, 37 và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Mạng lưới giao thông liên vùng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là dự án vành đai 4 vùng Thủ đô được Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước ngày 31/12, vượt tiến độ ban đầu tới 2 năm. Bên cạnh đó, sân bay Gia Bình với quy mô cấp 4E cũng đang được xây dựng nhanh chóng. Sân bay được kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối vùng, phục vụ vận tải hàng hóa, du lịch và thu hút đầu tư. Tuyến đường nối sân bay Gia Bình với Hà Nội cũng được chỉ đạo thiết kế theo tiêu chí "nhanh nhất, thẳng nhất, hiệu quả nhất", vốn đầu tư được đề xuất hơn 71.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều dự án giao thông lớn khác cũng được triển khai như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long (CT09), tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội kéo dài tới Bắc Ninh, cầu Vân Hà nối Bắc Giang và cầu Kênh Vàng nối sang Hải Dương. Những tuyến giao thông này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển liên vùng, đồng thời gia tăng giá trị bất động sản dọc các tuyến đường.
Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bắc Ninh được xác định là một trong những đô thị vệ tinh quan trọng. Việc hợp nhất hai tỉnh tạo cơ hội đồng bộ hóa các quy hoạch, phát triển các cực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản trong trung và dài hạn.
Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc nhận định, Bắc Ninh sẽ trở thành điểm tựa chiến lược về địa lý, kinh tế và công nghệ cho Thủ đô, hành lang công nghiệp phía Bắc. Sự liên kết giữa Hà Nội và Bắc Ninh không chỉ là sự gắn kết về giao thông, mà còn là sự hội tụ giữa nguồn nhân lực, tri thức và các trung tâm sản xuất, nhà máy, công xưởng hiện đại.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức. Ông Nghĩa cho rằng, nguồn cung nhà ở tại Bắc Ninh đang thiếu hụt, mất cân đối so với tốc độ phát triển các nhà máy và khu công nghiệp. "Việc quy hoạch bất động sản công nghiệp chưa đồng bộ với quỹ đất dành cho các loại hình bất động sản nhà ở, thương mại", vị này khẳng định.
Theo ông Nghĩa, nhà ở cho chuyên gia còn hạn chế, nhất là người nước ngoài chưa đạt chuẩn sống quốc tế, dù tỉnh nằm trong top 5 cả nước về số lượng chuyên gia nước ngoài. Vị này dự báo, xu hướng phát triển bất động sản của Bắc Ninh sẽ là xây dựng các khu dân cư khép kín, hiện đại, tích hợp đầy đủ dịch vụ.
Thời gian qua, Bắc Ninh cũng thu hút nhiều ông lớn trong ngành bất động sản với các dự án quy mô. Trong đó, chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng chọn địa phương này để "Bắc tiến" với dự án Hồng Hạc City nằm tại phường Song Liễu, diện tích gần 198 ha, vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD, định hướng là đô thị sinh thái khép kín.
Ông Trương Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng, cho biết, thị trường bất động sản Bắc Ninh có lợi thế về nguồn cầu với hàng loạt khu công nghiệp lớn, đông đảo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu về nhà ở chất lượng cao. Trong khi đó, khác với các thành phố phát triển như Hà Nội, TP HCM, nguồn cung sản phẩm nhà ở chất lượng cao tại Bắc Ninh còn hạn chế.
"Với khoảng trống này, Hồng Hạc City có thể góp phần gia tăng nguồn cung đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường khu vực", ông Hưng nói thêm.
Nội dung: Song Anh - Thiết kế: Hằng Trịnh - Đồ họa: Quang Tuệ
Ảnh: Phú Mỹ Hưng