Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ hôm nay đã tăng mức hình phạt đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, cũng như một số tội danh khác về môi trường, ma túy. Việc này được đánh giá là phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo.

Từ ngày 1/7, người cố tình bán thức ăn từ heo, gà bệnh có thể bị phạt tù.
Xử lý nghiêm hành vi cố tình bán heo, bò, gà bệnh
Bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 5 Điều 317 về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, nâng mức hình phạt tiền lên gấp đôi đối với những người thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định trong khoản 1 Điều 317. Mức phạt 100-400 triệu đồng hoặc phạt tù 2-5 năm.
Trong đó, bao gồm các hành vi vi phạm như: sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia... mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm (mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh) để chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng...
Hoặc, người sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm - mà biết là chưa được phép sử dụng, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm, mà sản phẩm trị giá từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50 triệu đến dưới 100 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính... (Điểm c, khoản 1 Điều 317).
Tương tự, Luật sửa đổi cũng quy định thêm về hành vi nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng, hoặc chưa được phép sử dụng hay lưu hành mà trị giá sản phẩm từ 10 đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính 5-20 triệu đồng... thì cũng chịu mức phạt như trên.
Những người thực hiện một trong các hành vi nói trên hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 5-20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Ngoài ra, những người phạm tội danh này theo quy định của luật sửa đổi còn có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền với số tiền tăng gấp đôi từ 40 đến 200 triệu đồng, giữ nguyên thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

Hình ảnh heo bệnh có đóng dấu an toàn được Facebook Jonny Lieu lan truyền trên mạng xã hội gần đây. Ảnh từ Facebook Jonny Lieu
Doanh nghiệp làm hàng giả liên quan sức khỏe có thể bị phạt đến 40 tỷ đồng
Tại khoản 1 Điều 192 quy định về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, Luật sửa đổi đã tăng mức phạt khởi điểm từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đối với người vi phạm.
Đối với các pháp nhân thương mại vi phạm quy định tại điều luật này thì có thể bị xử phạt số tiền khởi điểm từ 2 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng.
Tương tự, đối với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Luật sửa đổi cũng tăng mức tiền phạt lên gấp đôi đối với người và pháp nhân phạm tội. Trong đó mức tiền phạt cao nhất đối với pháp nhân là 36 tỷ đồng (luật cũ là 9 tỷ đồng).
Ở tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Luật sửa đổi đã bỏ hình phạt tử hình nhưng tăng mức tiền phạt đối với pháp nhân lên đến 40 tỷ đồng.
Người nghiện ma túy có thể bị xử tù
Đối với một số tội liên quan đến ma túy như: Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Luật hình sự sửa đổi cũng tăng mức hình phạt khởi điểm.
Đặc biệt, Luật sửa đổi đã bổ sung tội Sử dụng trái phép chất ma túy - là điều khoản mới duy nhất được Chính phủ đánh giá phù hợp trong bối cảnh số người nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng, nhằm giảm cầu ma túy.
Điểm nổi bật nhất trong Luật Hình sự sửa đổi 2025 là việc bỏ án tử hình với 8 tội danh bao gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Những người bị tuyên tử hình về những tội danh trên trước ngày 1/7 mà chưa thi hành án sẽ được chuyển sang tù chung thân. Chánh án TAND Tối cao quyết định việc này.
Ngoài ra, nhằm thể hiện chính sách sự khoan hồng của pháp luật, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và người đủ 75 tuổi trở lên.
Trưởng, phó công an xã được khởi tố một số vụ án
Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi có hiệu lực ngày 1/7 cũng có nhiều quy định mới. Trong đó, Trưởng và Phó trưởng Công an cấp xã, nếu đồng thời là Điều tra viên trung cấp hoặc cao cấp được Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh phân công, sẽ có quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng hình sự trong phạm vi địa bàn xã phường. Thẩm quyền này được quy định bổ sung vào khoản 1a sau khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự, đây là điểm mới hoàn toàn so với luật cũ.
Cụ thể, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã; được thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, trừ quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Tuy nhiên, để kiểm soát quyền hạn và đảm bảo năng lực của những người thuộc trường hợp này, Bộ Công an và VKSND Tối cao sẽ phối hợp hướng dẫn chi tiết việc tổ chức phân công.
Đồng thời, Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi cũng quy định về việc sắp xếp lại mô hình cơ quan tố tụng. Đối với Cơ quan điều tra thay bằng cấp Bộ (Trung ương), cấp tỉnh, bỏ cấp huyện. Tương ứng với VKS và tòa án là cấp tối cao, tỉnh và khu vực.
Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi cũng quy định hoàn thiện thẩm quyền của Viện trưởng VKSND. Cụ thể, Viện trưởng được quyền hủy bỏ quyết định không có căn cứ pháp luật của cấp dưới (Điều 41 Luật sửa đổi bổ sung). Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi quyết định của mình, không được ủy quyền cho kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ của mình, trừ một số trường hợp được cho phép.
Hải Duyên