Bộ trưởng Xây dựng vừa giao Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nâng cấp ba quốc lộ trên, thuộc chương trình kết nối vùng và tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu khu vực, thực hiện từ nay đến năm 2030.
Cục Đường bộ Việt Nam được yêu cầu khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ Xây dựng phê duyệt, làm cơ sở đàm phán ký kết hiệp định vay với WB. Đồng thời, đơn vị phải chủ động phối hợp các cơ quan liên quan, tiếp nhận kết quả nghiên cứu trước đó để triển khai dự án.
Hồi tháng 6, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư ba dự án này. Quốc lộ 53 được nâng cấp 41 km qua tỉnh Vĩnh Long, đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 11 m.
Quốc lộ 62 nâng cấp khoảng 69 km đoạn qua Tây Ninh (Long An cũ) với quy mô tương tự. Các đoạn đã đạt tiêu chuẩn sẽ giữ nguyên hiện trạng và tăng cường kết cấu mặt đường.
Quốc lộ 91B được đầu tư 141 km đi qua Cần Thơ và Cà Mau (tỉnh Bạc Liêu cũ). Tuyến này cũng được cải tạo đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Các tuyến quốc lộ ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải tạo, nâng cấp. Đồ họa: Đăng Hiếu
Tổng mức đầu tư của dự án 385 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 262 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách trung ương là 2.975 tỷ đồng (123 triệu USD).
Dự án nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các địa phương Tây Ninh, Vĩnh Long, Cà Mau và TP Cần Thơ.
Các quốc lộ trên đang xuống cấp sau thời gian dài khai thác. Quốc lộ 53 đã hư hỏng, nhiều thời điểm triều cường gây ngập ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Quốc lộ 62 được sử dụng hơn 20 năm, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp. Quốc lộ 91B (tuyến nam sông Hậu) được khai thác từ năm 2011, mặt đường có nhiều ổ gà, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Anh Duy