Áp lực phải giỏi giang là thứ mà tôi có thể cảm nhận rất rõ, bởi nó xảy ra trong chính gia đình mình. 4 tuổi đã thuộc lòng tập thơ Trần Đăng Khoa, dù bản thân còn chưa biết chữ, đó là "thành quả" đáng tự hào mà anh trai tôi lúc nào cũng lấy ra để khoe với thiên hạ về tôi. Thời nhỏ, ngày nào anh cũng lôi thơ ra dạy tôi đọc. "Mưa dầm thấm lâu", tôi cũng dần nằm lòng từng câu chữ.
Sau đó, anh cứ lật bài thơ nào ra, tôi chỉ cần nhìn hình minh họa là có thể đọc làu làu từ đầu đến cuối, không sai chữ nào, y như một con vẹt. Nhưng vấn đề là tôi chỉ có thể đọc một mạch từ đầu, chứ ai chỉ ngẫu nhiên một dòng nào đó ở giữa bài rồi bảo tôi đọc tiếp thì tôi chịu chết.
Tuy nhiên, ở một vùng quê nhỏ như nơi tôi sinh ra và lớn lên thì như vậy đã là một kỳ tích đáng để người lớn trầm trồ, tung hô. Anh tôi thậm chí còn đem tôi đi khoe cả làng với vẻ đầy khoái chí. Mọi người xung quanh biết tới cũng tỏ ra hâm mộ tôi, xem như một "thần đồng nhí" của làng.
Thế nên, khi tôi vào lớp 1, ngày đầu tiên tôi mang sổ liên lạc về là mọi người lập tức xúm lại xem tôi được mấy điểm, xếp hạng bao nhiêu, giáo viên phê gì? Cũng may là sức học của tôi ổn định nên liên tục duy trì được hạng nhất trong lớp. Nhưng cũng từ đó, mẹ tôi luôn bị ám ảnh với con số này.
Năm lớp 3, có lần tôi bị bệnh nặng, phải nghỉ học mất 10 ngày. Vậy là từ vị trí dẫn đầu, tôi tụt xuống xếp thứ ba trong lớp. Khỏi phải nói, đó như một cú sốc rất nặng với bà. Mẹ tôi ủ rũ suốt mấy ngày trời, tưởng tư trời đất sụp đổ trước mắt. Còn tôi thấy mẹ như vậy nên cũng cảm thấy rất tội lỗi, rằng mọi chuyện đều do mình gây ra.
>> Con tôi bốn năm liền 'đội sổ' trên lớp vì không theo kịp chương trình
Thế là để lấy lại niềm tin của mẹ, tôi lại lao vào học, cố gắng bằng tất cả những gì mình có để trở lại vị trí dẫn đầu. Tới lớp 5, tôi được chọn làm đại diện của trường đi thi Học sinh giỏi cấp Huyện. Và đó cũng là lần đầu tiên trường tôi giành được giải Nhất. Thầy cô vui mừng, ba mẹ rạng rỡ, tôi sống trong những ngày tháng được tung hô lên tận mây xanh, trở thành niềm tự hào của cả vùng.
Nhưng như được tiếp thêm niềm tin, từ đó mẹ tôi luôn canh cánh với vị trí "đầu bảng bất bại" của tôi. Và rồi chính tôi cũng bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ đó. Thậm chí, tôi còn lo lắng bị mất ngôi số một còn hơn cả ba mẹ. Tôi sợ mất vị trí dẫn đầu, sợ ba mẹ thất vọng, sợ thầy cô quở trách.
Tôi luôn căng thẳng cực độ trước các kỳ thi lớn nhỏ vì áp lực phải giành điểm cao nhất. Tôi thức dậy từ 5 giờ sáng, học quần quật ở trường, ở lớp học thêm, lớp luyện thi học sinh giỏi... đến tận tối mịt. Và chưa bao giờ tôi đi ngủ trước 11 giờ đêm. Áp lực thành tích thực sự là chiếc vòng kim cô thít chặt lấy tôi.
Cho đến khi tôi đậu vào một trường đại học top đầu ở thành phố lớn, những kỳ vọng, trọng trách trên vai tôi dường như mới được gỡ bỏ. Tôi như được giải thoát khỏi những ánh mắt dò xét của mọi người xung quanh. Một mình lên thành phố, không ai biết tôi là ai, giỏi giang thế nào, thành tích đáng nể ra sao?
Tôi lần đầu tiên biết được cảm giác học hành như một người bình thường.
Bốn năm đại học của tôi cứ thế qua đi trong yên bình. Rồi tôi ra trường, đi làm một công việc bình thường, sống một cuộc đời bình thường, làm một người bình thường. Lúc đó, tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của cuộc đời mình, rằng tôi đang sống cho chính mình chứ không phải vì một ai khác.
- Tôi khủng hoảng khi con vào lớp 1
- Học sinh lớp 9 ở Canada than khó với bài Toán lớp 7 Việt Nam
- Em tôi học kém vẫn đỗ đại học nhờ xét tuyển học bạ
- Tôi nhàn tênh vì con học như chơi suốt 12 năm ở Mỹ
- Tôi stress nặng vì con đuối dần do học vẹt
- Tôi ngày trước học nhàn, cớ gì trẻ em ngày nay học nặng