"Khả năng xảy ra sự cố được cho là hiếm gặp, nhưng vì thận trọng, chúng tôi quyết định tiến hành thu hồi tự nguyện một số mẫu pin dự phòng", Anker thông báo ngày 30/6.

Các mẫu pin sạc dự phòng trong danh sách bị thu hồi.
Các sản phẩm bị ảnh hưởng có tên mã A1257, A1647, A1652, A1681 và A1689. Bốn trong năm mẫu này, trừ A1652, cũng được hãng thu hồi tại Việt Nam từ cuối tháng 6. Người dùng có thể kiểm tra mã ở mặt sau thiết bị, cung cấp số series và hóa đơn mua hàng, sau đó điền biểu mẫu trên website công ty, chọn đổi sản phẩm mới hoặc nhận phiếu mua hàng.
Giữa tháng 6, Anker cũng thu hồi hơn một triệu pin dự phòng PowerCore 10000 (A1263) tại thị trường Mỹ. Khi đó, công ty cho biết người mua từ ngày 1/6/2016 đến 31/12/2022 nằm trong danh sách hỗ trợ. Tuy nhiên, hãng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể và số lượng cho 5 mẫu mới trong danh sách. Theo The Verge, đợt thứ hai có thể ảnh hưởng "hàng triệu" thiết bị.
Anker là công ty điện tử Trung Quốc thuộc sở hữu của Anker Innovations, do cựu kỹ sư Google Steven Yang thành lập năm 2011. Sản phẩm của công ty gồm củ sạc, sạc dự phòng, cáp sạc và cổng sạc, cũng như thiết bị gia dụng thông minh, máy chiếu video cầm tay, tai nghe Bluetooth và loa. Tại Việt Nam, Anker là thương hiệu phụ kiện được nhiều người biết tới.
Tại Trung Quốc, Anker cùng một loạt nhà cung cấp phụ kiện khác như Baseus, Aukey, Xiaomi, Ugreen và Romoss đã đưa ra chính sách thu hồi pin. Theo Notebookcheck, những sản phẩm bị ảnh hưởng đều sử dụng cell pin của Amprius - công ty có trụ sở tại Fremont, California, chuyên về nghiên cứu công nghệ và sản xuất pin.
Trước đó, Cơ quan kiểm định 3C (China Compulsory Certificate) của Trung Quốc đã rút chứng nhận đối với nhiều cell pin Amprius. Những mẫu sạc dự phòng không có nhãn 3C bị cấm mang lên máy bay ở nước này. Theo SCMP, Amprius được cho là đã tự ý thay đổi vật liệu màng ngăn trong lõi pin - bộ phận ngăn có vai trò ngăn đoản mạch. Amprius sau đó đổ lỗi cho công ty gia công bên thứ ba và nói "không hề hay biết" vấn đề.
Trong số đối tác của Amprius, bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngoài Anker là Romoss. Ngày 28/6, công ty ra thông báo thu hồi 490.000 pin và tạm dừng toàn bộ mảng kinh doanh pin sạc dự phòng, sau khi một chiếc phát nổ trên máy bay của Hong Kong Airlines. "Nhóm phụ trách mảng pin sạc đang dồn toàn lực xử lý việc nhận lại pin, không còn thời gian tiếp khách hàng", một nhân viên Romoss nói với China Daily.
Do cell pin của Amprius không còn được chứng nhận 3C, hầu hết sạc dùng cell pin hãng này cũng bị cấm. Loạt sản phẩm của Romoss bị gỡ khỏi các nền tảng thương mại điện tử. Công ty ước tính có thể thiệt hại từ 100 triệu đến 200 triệu nhân dân tệ mỗi tháng (363-727 tỷ đồng).
Tính từ đầu năm, một loạt sự cố liên quan đến pin sạc dự phòng đã được ghi nhận. Vào tháng 3, chuyến bay của Hong Kong Airlines từ Hàng Châu đi Hong Kong phải hạ cánh khẩn vì cháy khoang hành lý, nghi do pin dự phòng phát nổ. Ngày 31/5, chuyến bay China Southern Airlines từ Hàng Châu đi Thâm Quyến phải quay đầu sau 15 phút cất cánh do phát hiện khói từ pin máy ảnh và sạc dự phòng của một hành khách. Nhiều hãng hàng không toàn cầu cũng cấm dùng loại thiết bị này trong suốt chuyến bay.
Bảo Lâm tổng hợp
- Anker thu hồi bốn mẫu pin sạc dự phòng tại Việt Nam
- Nhiều hãng thu hồi pin sạc dự phòng
- Anker thu hồi hơn 1,1 triệu sạc dự phòng