Hầu hết laptop hiện nay đều trang bị webcam, trong khi PC sử dụng camera rời. Nếu không kiểm soát, phụ kiện này có thể trở thành "cánh cửa" để hacker theo dõi những gì người dùng đang làm. Nhiều người nổi tiếng, như cựu giám đốc FBI James Comey, cựu nhân viên CIA Edward Snowden hay CEO Meta Mark Zuckerberg, từng cho biết đã dán băng dính webcam của laptop để tránh bị nhìn trộm.
Theo PCWorld, người dùng có thể để ý những dấu hiệu dưới đây để kiểm tra liệu camera đã bị xâm phạm.

Webcam Elgato Facecam MK.2 gắn trên máy MacBook. Ảnh: Bảo Lâm
Tập tin lạ
Hầu hết hacker sẽ xóa dấu vết khi xâm nhập máy tính, nhưng người dùng có thể phát hiện ra trước khi chúng làm điều đó. Các tập tin liên quan đến webcam như ảnh chụp, video, tệp nhật ký (log) thường được lưu trong thư mục lưu trữ mặc định hoặc trong Thùng rác. Trừ khi webcam có bật sẵn chế độ ghi tự động, nếu thấy file lạ mà người dùng không chụp hoặc quay, khả năng cao webcam đã bị hack.
Đèn webcam sáng hoặc nháy liên tục
Hầu hết webcam được trang bị đèn thông báo bên cạnh, sẽ bật sáng nếu sử dụng. Nếu webcam không có đèn, người dùng có thể xem thông báo qua thanh tác vụ (taskbar) trên màn hình.
Khi không sử dụng webcam, nếu đèn tự sáng, người dùng cần kiểm tra ứng dụng hay tiện ích trình duyệt nào chạy ngầm. Nếu đã tắt hết nhưng đèn vẫn sáng, nhiều khả năng nó bị điều khiển chạy ngầm từ xa hoặc qua phần mềm độc hại.
Cài đặt bảo mật tự động bị sửa
Để đạt mục tiêu xâm nhập, hacker sẽ sử dụng mã độc vô hiệu hóa các cài đặt bảo mật. Người dùng nên mở ứng dụng quản lý webcam, duyệt từng tab tính năng để tìm dấu hiệu, như mật khẩu thay đổi, plug-in đáng ngờ, ứng dụng lạ được cấp quyền truy cập webcam, hoặc chức năng bảo mật trước đó được bật nhưng hiện bị tắt.
Nếu phát hiện, người dùng nên đổi mật khẩu đăng nhập, khôi phục cài đặt bảo mật, quét máy tính bằng phần mềm diệt virus. Ngoài ra, cần kiểm tra cài đặt bảo mật cho máy tính thường xuyên, phòng trường hợp tính năng tường lửa và bảo vệ thời gian thực bị vô hiệu hóa âm thầm.
Trò lừa tin nhắn tống tiền
Một trò lừa đảo phổ biến là hacker gửi thông báo qua tin nhắn, email... và nói đã tấn công người dùng thành công qua webcam. Sau đó, chúng gửi hình ảnh, video "nhạy cảm", yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nếu không sẽ phát tán lên mạng. Tuy nhiên, nội dung này có thể không đúng, bị cắt ghép hoặc giả mạo bằng deepfake.
Người dùng cần bình tĩnh trước tin nhắn này vì đây có thể là hành động "hù dọa" của tin tặc. Họ nên ngắt kết nối webcam, hoặc che ống kính, sau đó quét virus và kiểm tra lại phần mềm, cài đặt bảo mật.
Kiểm tra lưu lượng mạng
Người dùng có thể cài phần mềm hiển thị thông lượng mạng thời gian thực, sau đó tắt lần lượt các ứng dụng đang chạy trên máy. Nếu đã tắt hết ứng dụng nhưng vẫn còn nhiều dữ liệu truyền qua mạng, máy tính có thể đã bị xâm nhập. Điều này không hoàn toàn từ webcam, nhưng có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đáng ngờ đang xảy ra ở chế độ nền, ví dụ webcam bị theo dõi và đang gửi đi dữ liệu.
Cách phòng tránh
Theo Surfshark, cách phổ biến nhất để người dùng chủ động phòng ngừa việc bị theo dõi qua webcam là dùng phần mềm diệt virus quét thiết bị thường xuyên. Bên cạnh đó, không nhấp vào liên kết đáng ngờ vì hành động đó có thể khiến virus lây lan. Có thể sử dụng VPN khi dùng laptop nơi công cộng để đảm bảo an toàn.
Người dùng webcam rời nên ngắt kết nối vật lý khi không sử dụng. Trên laptop, có thể dùng băng dính mỏng, không nên sử dụng các miếng che dày để tránh bị hỏng máy, điều Apple từng khuyến cáo.
Bảo Lâm (theo PCWorld, Surfshark)