Dưới đây là những dấu hiệu mà người IQ thấp thường thể hiện.
Vốn từ vựng hạn chế
Người có IQ thấp thường dùng từ đơn giản, ít biến hóa. Họ hay lặp lại những cụm từ như "tốt", "xấu", "ổn", khiến cuộc trò chuyện thiếu chiều sâu.
Theo khảo sát của đánh giá tiến bộ Giáo dục Mỹ (NAEP), năm 1984 có 35% trẻ 13 tuổi đọc sách mỗi ngày. Đến 2023, tỷ lệ này giảm còn 21%. Việc ít đọc góp phần khiến vốn từ trở nên nghèo nàn.
Người thông minh nhanh chóng cảm thấy nhàm chán khi đối thoại chỉ xoay quanh vài từ quen thuộc.
Thiếu khả năng tự phản ánh
Người thông minh thường đặt câu hỏi về suy nghĩ và hành vi của chính mình. Người kém tinh tế thì ngược lại, hiếm khi suy ngẫm về lý do mình hành xử như vậy hoặc ảnh hưởng của mình đến người khác.
Theo tiến sĩ Ilene S. Cohen, chuyên gia trị liệu tâm lý, giảng viên Đại học Barry (Mỹ), tự phản ánh không phải là hành vi diễn ra một lần.
Đó là hành trình cả đời để hiểu bản thân và vai trò của mình trong thế giới. Nó giúp ta nhận ra điểm mạnh, thừa nhận điểm yếu và trưởng thành hơn.

Ảnh minh họa: Yourtango
Dễ phản ứng phòng thủ
Khi không giỏi tư duy phản biện, người ta dễ cảm thấy bị tấn công ngay cả khi đối phương chỉ đang hỏi nhẹ nhàng. Phản ứng phòng thủ là cách để họ bảo vệ cảm xúc.
John Kim, nhà trị liệu được cấp phép và là tác giả sách về sức khỏe tâm lý, nhận định, phản ứng phòng thủ là rào cản lớn với giao tiếp lành mạnh. Nó làm giảm sự tin tưởng, cản trở hiểu biết và đồng cảm.
Người thông minh nhận ra điều này khi đối phương vội vã kết thúc cuộc trò chuyện hoặc thay đổi thái độ khi bị hỏi sâu.
Ngắt lời nhưng không thêm điều gì mới
Người thông minh nhanh thường thấy cuộc trò chuyện thiếu tiến triển khi đối phương liên tục ngắt lời mà không đóng góp nội dung rõ ràng. Họ có thể tỏ ra hào hứng, nhưng chỉ lặp lại hoặc xen vào bằng lời nhận xét vụn vặt.
Caren Osten, chuyên gia tư vấn tâm lý tích cực, cho rằng chúng ta thường không thoải mái với khoảng lặng. Nhưng chính trong những khoảng đó, ta có cơ hội suy ngẫm và kết nối sâu hơn. Việc chen ngang thể hiện sự thiếu tập trung, không thực sự tiếp nhận điều đang được nói.
Không thoải mái với sự không chắc chắn
Người IQ thấp thường ngại những câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng. Họ muốn mọi thứ đơn giản, dễ hiểu, và cố gắng né tránh điều chưa biết.
Nicole Whiting, chuyên gia trị liệu và huấn luyện viên phát triển cá nhân người Mỹ, cho rằng chấp nhận sự không chắc chắn không chỉ là triết lý sống mà còn là cách để có cuộc sống trọn vẹn. Khi từ bỏ ảo tưởng kiểm soát, ta có thể sáng tạo và trưởng thành.
Người thông minh thích đặt câu hỏi, trong khi người kém tinh tế lại nhanh chóng muốn chuyển chủ đề.
Nhầm lẫn giữa bất đồng và xung đột
Người thông minh hiểu rằng bất đồng là điều bình thường và hữu ích. Trong khi đó, người IQ thấp thường coi đó là xung đột cá nhân.
Giáo sư Jennifer A. Samp, chuyên gia giao tiếp giữa các cá nhân tại Đại học Georgia (Mỹ), nhận định tranh luận có thể thúc đẩy năng lượng tích cực. Nó giúp ta hiểu điều gì quan trọng, từ giá trị cá nhân đến mục tiêu trong mối quan hệ.
Với người không quen thảo luận, một ý kiến trái chiều cũng có thể gây căng thẳng.
Không nhận ra mâu thuẫn trong lời nói
Người thiếu khả năng tự quan sát dễ rơi vào mâu thuẫn nội tại mà không hay biết. Họ có thể phát biểu hai điều trái ngược nhau trong cùng một cuộc trò chuyện.
Người thông minh thường kiểm tra lại tư duy, đặt câu hỏi: "Điều mình nói có hợp lý không?"
Khi đối phương không có khả năng này, cuộc trò chuyện dễ bị rối.
Tư duy trắng - đen, không thấy sắc thái
Người IQ thấp thường nghĩ theo kiểu đúng/sai tuyệt đối. Họ không chấp nhận khả năng có nhiều cách nhìn khác nhau.
Người thông minh nhận ra nhiều vấn đề trong cuộc sống không đơn giản.
Không có câu trả lời duy nhất. Sự cứng nhắc trong tư duy khiến cuộc trò chuyện trở nên mệt mỏi.
Xem học tập là việc đã hoàn thành
Người thông minh xem việc học là hành trình cả đời. Họ tò mò, thích đào sâu. Ngược lại, người IQ thấp nghĩ rằng mình đã học đủ.
Họ không còn đặt câu hỏi, dễ mất kiên nhẫn với người thích tìm hiểu.
Điều này khiến họ tụt hậu trong tư duy và bị hạn chế trong các cuộc trò chuyện trí tuệ.
Hiếm khi trích dẫn nguồn
Người IQ thấp thường nói "tôi đọc đâu đó" chứ không dẫn chứng rõ ràng. Người thông minh đánh giá cao tính chính xác, nên sẽ đặt nghi vấn nếu thiếu nguồn cụ thể.
Điều này khiến họ khó tin vào những gì đối phương nói. Cuộc trò chuyện dễ mất trọng tâm vì không có cơ sở xác minh.
Nhật Minh (Theo Yourtango)